Cẩn trọng khi quay đầu xeĐào Tạo Lái Xe THÀNH CÔNG

Cẩn trọng khi quay đầu xe

Share Button

Cẩn trọng khi quay đầu xe

Ô tô quay đầu theo đúng đèn tín hiệu nhưng đè lên vạch kẻ phần đường dành cho người đi bộ qua đường là vi phạm quy định.

 Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường

 

Câu hỏi 1

Tại các ngã tư (hoặc các điểm hở trên đường hai chiều có dải phân cách cứng) cho phép quay đầu xe, có đèn tín hiệu giao thông và vạch kẻ ngang cho người đi bộ qua đường. Một chiếc ô tô thực hiện việc quay đầu theo đúng đèn tín hiệu, vì không muốn xe đi ra và quay ở phần giữa ngã tư ảnh hưởng đến các phương tiện khác nên lái xe đã quay ở góc hẹp hơn. Kết quả là khi xe đang ở phương ngang của đường thì bánh sau đè lên vạch dành cho người đi bộ và bị cảnh sát giao thông thổi phạt.

Người lái xe nói rằng, phần đường người đi bộ chỉ có tác dụng khi đèn đỏ (đèn xanh của người đi bộ được phép qua đường), còn khi đèn tín hiệu trên đường chính màu xanh thì người đi bộ không được qua đường nên các phương tiện có thể đi vào các vạch kẻ đó. Hỏi pháp luật xử lý như thế nào trong trường hợp này?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 10 Luật giao thông đường bộ có quy định hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ như sau:

Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

Như vậy khi tham gia giao thông đường bộ thì người điều khiển ôtô phải tuân thủ quy định về hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ trong đó có vạch kẻ đường. Theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật giao thông đường bộ về chuyển hướng xe có quy định:

Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.

Như vậy việc ô tô quay đầu xe đè lên vạch kẻ phần đường dành cho người đi bộ qua đường là vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật giao thông đường bộ. Hành vi nêu trên bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm k, Khoản 2, Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP với mức tiền là từ 300.000VND tới 400.000VND.

Câu hỏi 2

Trên xa lộ, một chiếc xe ôtô đang sử dụng đèn ở chế độ chiếu xa và đi bình thường. Một chiếc xe máy chạy ngược chiều và liên tục ra tín hiệu (nháy pha – cốt liên tục) để chiếc ôtô kia chuyển sang chế độ chiếu gần nhưng lái xe ôtô vẫn để chế độ chiếu xa. Kết quả là do bị chói mắt nên chiếc xe máy đã lao vào hố (ổ gà lớn) ở giữa đường, người lái xe bị thương nặng. Cả hai chiếc xe đều đi đúng tốc độ cho phép. Hỏi pháp luật xử lý như thế nào trong trường hợp này?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 17 Luật giao thông đường bộ về tránh xe khi đi ngược chiều có quy định:

1. Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.

2. Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau quy định như sau:

a) Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;
b) Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;
c) Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.

3. Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.

Như vậy việc ôtô không thực hiện việc chuyển đèn sang chế độ chiếu gần khi đi ngược chiều gặp nhau là vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật giao thông đường bộ.

Hành vi vi phạm của người lái xe ôtô sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy tại điểm g khoản 3 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 600.000 VND tới 800.000 VND.

Luật sư: Nguyễn Thanh Hà
(Công ty luật S&B)

Xem thêm khóa học lái xe b2 cấp tốc tại TP.HCM

Tư vấn

0902808001

các chuyên ngành đào tạo

© Thiết kế website ITgreen.vn